Vị trí địa lý: Quảng Bình là tỉnh thuộc duyên hải Bắc Trung Bộ với giới hạn tọa độ địa lý từ 16°55’ đến 18°05’ vĩ độ Bắc và từ 105°37’ đến 107°00’ kinh độ Đông. Về tiếp giáp, tỉnh Quảng Bình có phía Bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Nam giáp tỉnh Quảng Trị, phía Đông giáp biển với chiều dài trên 116,04 km, thềm lục địa có diện tích 20.000 km2 và đường biên giới phía Tây giáp Lào có tổng chiều dài 222,118 km. Tỉnh có diện tích tự nhiên là 7.998,76 km2, chiếm 2,41% diện tích toàn quốc và dân số trung bình năm 2022 là 913.862 người.
Quảng Bình có 08 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 05 huyện/thị xã ven biển (các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và thị xã Ba Đồn), 02 huyện vùng núi (Tuyên Hóa, Minh Hóa) và thành phố Đồng Hới là trung tâm của tỉnh; 151 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 15 phường, 08 thị trấn và 128 xã.
Quảng Bình là phần hẹp nhất của Việt Nam, vì vậy đây là hành lang quan trọng đối với cả hàng hóa lẫn hành khách với các tuyến đường bộ như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh chạy dọc tuyến Bắc - Nam, tuyến đường sắt Bắc - Nam. Các tuyến đường này kết nối các khu vực trọng điểm trong tỉnh, đặc biệt là kết nối các cảng Gianh, cảng Nhật Lệ và cảng Hòn La với Khu Kinh tế Hòn La và thành phố Đồng Hới.
Tỉnh đóng vai trò quan trọng trong giao thương hàng hóa và hàng khách tuyến Đông - Tây nhờ có Quốc lộ 12A kết nối Quảng Bình với Lào và từ Lào sang miền Bắc Thái Lan và Myanmar.
Đặc điểm khí hậu: Quảng Bình nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa chuyển tiếp giữa miền Bắc và Nam Việt Nam, do đó khí hậu phân thành hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Với việc có mùa Hè nắng nóng, trời quang mây và chế độ gió khá ổn định tạo thuận lợi cho Quảng Bình phát triển các loại hình năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời và du lịch biển. Tuy vậy, đặc điểm khí hậu của Quảng Bình nhìn chung gây nhiều trở ngại cho đời sống và sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.
Đặc điểm địa hình: Tỉnh Quảng Bình nằm ở sườn Đông dãy Trường Sơn, với địa hình đồi núi cao hiểm trở, hẹp bề ngang và dốc, nghiêng từ Tây sang Đông và chia cắt ở các khu vực phía Tây của tỉnh. Các khu vực phía Đông nhìn chung có độ dốc lớn về phía biển, vùng đồng bằng bị thu hẹp lại ở phía Nam do sự xâm lấn của dãy Trường Sơn.
Phần lớn diện tích tỉnh là đồi núi (chiếm trên 85% diện tích tự nhiên), các dạng địa hình khác là trung du, đồng bằng duyên hải và bãi cát ven biển chỉ chiếm gần 15%. Do vậy, diện tích đất canh tác lúa và nông lâm nghiệp tương đối hạn chế và thường xuyên gánh chịu lũ lụt bất thường vào mùa mưa do hệ thống sông suối ngắn, dốc, chảy từ Tây sang Đông.
Địa hình tỉnh có sự khác nhau giữa các tiểu vùng: (1) Vùng núi cao nằm dọc theo sườn Đông dãy Trường Sơn; (2) Vùng gò đồi và trung du tập trung chủ yếu tại các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới; (3) Vùng đồng bằng và vùng cát ven biển ở các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới.
Điều kiện văn hóa, xã hội: Quảng Bình vừa là địa bàn phân bố văn hóa Hòa Bình, văn hóa Đông Sơn, văn hóa Bàu Tró ở phía Bắc, vừa chứa đựng, bảo lưu, giao thoa với văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa ở phía Nam. Quá trình giao thoa, tiếp biến, hòa nhập trong suốt cả chiều dài lịch sử dân tộc ngày càng bồi đắp, làm phong phú hơn truyền thống văn hóa của Nhân dân vùng đất này; đồng thời cũng làm cho sắc thái văn hóa Quảng Bình có những đặc trưng riêng, mở ra tiềm năng to lớn cho việc phát triển các loại hình văn hóa - du lịch.
Tài nguyên đất: Toàn tỉnh có 10 nhóm đất trong đó nhóm đất xám có diện tích lớn nhất tỉnh Quảng Bình (khoảng 515.781,0 ha, chiếm 63,95% diện tích tự nhiên), phân bố khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Nhóm đất tầng mỏng có diện tích lớn thứ hai (khoảng 24.274,0 ha), phân bố tập trung ở gò đồi của huyện Lệ Thủy, Bố Trạch và Quảng Trạch, thực vật tự nhiên chủ yếu là sim, mua. Nhóm đất cát có diện tích lớn thứ ba (khoảng 37.243 ha) phân bố ở ven biển; Nhóm đất phù sa có diện tích khoảng 34.791 ha, phân bố tập trung ở vùng đồng bằng ven biển là sản phẩm phù sa của các con sông suối trên địa bàn của tỉnh.
Tài nguyên khoáng sản: Tài nguyên khoáng sản Quảng Bình tương đối phong phú và đa dạng, tiêu biểu như vàng, đá vôi và kaolin chất lượng cao, trữ lượng lớn, nhiều loại vật liệu xây dựng, nhiều điểm nước khoáng nước nóng nổi tiếng... Tuy nhiên, một số loại khoáng sản phân bố rải rác, trữ lượng nhỏ nên hiệu quả khai thác không cao.
Tài nguyên nước: Quảng Bình có nguồn nước mặt khá phong phú nhờ hệ thống sông suối, hồ đập khá dày đặc. Mật độ sông suối đạt 0,70 - 1,10 km/km2, phân bố không đều, có xu hướng giảm dần từ Tây sang Đông, từ vùng núi ra biển. Sông ngòi Quảng Bình đều ngắn và dốc, có 05 con sông chính đổ ra biển Đông là sông Roòn, Gianh, Lý Hòa, Dinh và Nhật Lệ. Diện tích lưu vực 05 con sông là 7.778,0 km2, chiều dài 343,0 km. Lượng dòng chảy khá phong phú và thuộc vào lớn nhất ở Việt Nam. Modun dòng chảy bình quân là 55l/s/km2, tương đương 04 tỷ m3 nước/năm.
Nguồn nước ngầm của tỉnh khá phong phú, tuy nhiên phân bố không đều, mức độ nông sâu thay đổi phụ thuộc vào địa hình và lượng mưa trong mùa. Thường vùng đồng bằng ven biển có mực nước ngầm nông và dồi dào, đối với vùng trung du nước ngầm sâu và dễ bị cạn kiệt vào mùa khô.
Tài nguyên rừng: Hiện nay, toàn tỉnh có 615.287,91 ha đất lâm nghiệp, chiếm 76,91% diện tích đất tự nhiên. Trong đó, diện tích đất có rừng 543.048,85 ha, gồm 469.767,95 ha rừng tự nhiên và 73.280,9 ha rừng trồng đã thành rừng. Sản lượng gỗ ước tính có khoảng 52.522 nghìn m3 (chủ yếu là trữ lượng gỗ rừng tự nhiên với 49.868.270 m3, chiếm 94,95%). Thảm thực vật rừng Quảng Bình rất đa dạng và phong phú, trong đó có nhiều loại gỗ quý như lim, gụ, sến, táu... và nhiều loại thú quý hiếm như voọc, trĩ sao, gà lôi, các loại bò sát, móng guốc khác. Đặc sản dưới tán rừng khá phong phú, đa dạng và có giá trị lớn như song mây, dược liệu quý, phong lan... Đặc biệt ở khu bảo tồn Phong Nha - Kẻ Bàng có nhiều loại động vật và thực vật quý hiếm.
Tiềm năng phát triển du lịch biển: Với chiều dài bờ biển trên 116,04 km, Quảng Bình sở hữu những bãi tắm đẹp còn giữ được nhiều nét hoang sơ, như: Đá Nhảy, Nhật Lệ, Hải Ninh, Vũng Chùa - Đảo Yến... cùng với đó là hệ thống di tích lịch sử, điểm đến văn hóa ở vùng ven biển.
Tiềm năng phát triển cảng biển và dịch vụ cảng: Quảng Bình là tỉnh có bờ biển dài, vùng biển rộng với 05 cửa sông và 02 khu vực hàng hải quan trọng, gồm: Khu vực hàng hải cửa Gianh và khu vực hàng hải Hòn La. Hiện nay, Quảng Bình có 04 bến cảng gồm: Cảng Gianh, cảng Hòn La, cảng Xăng dầu sông Gianh, cảng Thắng Lợi, với gần 600m cầu cảng tiếp nhận tàu trọng tải từ 1.000-20.000 tấn; 04 khu chuyển tải tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 tấn… Ngoài ra, vịnh Hòn La có diện tích mặt nước 04 km2, độ sâu trên 15m và xung quanh có các đảo che chắn, như: Hòn La, Hòn Nồm, Hòn Gió, Hòn Cỏ, Hòn Chùa là điều kiện thuận lợi cho các loại tàu thuyền neo đậu, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá và vận tải biển.
Thủy hải sản: Vùng biển của tỉnh Quảng Bình được đánh giá có trữ lượng hải sản lớn với tính đa dạng cao. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu biển, trữ lượng hải sản ước khoảng 10 vạn tấn với 1.650 loài hải sản các loại, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao, như tôm hùm, tôm sú, mực nang, mực ống… Tính theo độ sâu, trữ lượng hải sản khoảng 23.000 tấn ở độ sâu từ 0 - 50 m; từ 51 - 90 m: 76.000 tấn. Phân theo loài, tôm biển: 1.600 - 2.000 tấn, ruốc: 5.000 - 7.000 tấn và cá các loại: 60.000 - 70.000 tấn. Về nuôi trồng hải sản, với 05 cửa sông, Quảng Bình có vùng mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản khá lớn. Tổng diện tích 15.000 ha. Độ mặn ở vùng mặt nước từ cửa sông vào sâu khoảng 10 - 15km dao động từ 08 - 30‰ và độ pH từ 6,5 - 8 rất thuận lợi cho nuôi tôm, cua xuất khẩu. Chế độ bán nhật triều vùng ven biển thuận lợi cho việc cấp thoát nước cho các ao nuôi tôm, cua.
Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo: Nằm trong vành đai nhiệt đới Bắc bán cầu, với nền nhiệt độ cao và phân bố khá đồng đều quanh năm, bức xạ mặt trời khá cao, Quảng Bình giàu tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Số giờ nắng ở vùng đồng bằng ven biển từ 1.650 - 1.820 giờ/năm, lượng bức xạ trong năm ở tỉnh Quảng Bình dao động trong khoảng 1.256 - 1.418 kWh/m2/năm, tập trung vào các tháng mùa hè từ tháng 3 đến tháng 9 thuận lợi cho phát triển điện mặt trời. Vận tốc gió bình quân từ 06 - 6,75m/s (ở độ cao 120m) ở trên biển và đất liền, thích hợp để phát triển điện gió.
Tài nguyên du lịch: Bờ biển dài 116,04 km của tỉnh Quảng Bình có nhiều bãi biển đẹp và các điểm nghỉ ngơi giải trí như Nhật Lệ, Cảng Gianh, Vũng Chùa, đảo Yến, vịnh Hòn La, bãi tắm Đá Nhảy, bãi tắm Hải Ninh. Đặc biệt, Quảng Bình có Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2003 và 2015. Các điểm du lịch khác bao gồm suối khoáng nóng Bang, suối khoáng nóng nhất ở Việt Nam với nhiệt độ vượt 1050C; hang Rục Mòn (Hóa Sơn); hang La Vân, hang Sương Mù (Hóa Tiến); hồ Yên Phú (Trung Hóa); Thác Mơ (Hóa Hợp) hay những địa điểm tiềm năng như Thác Bụt - Giếng Tiên (Yên Hóa); Cổng trời - Cha Lo - Nước Rụng (Dân Hóa)… Với tài nguyên nhân văn, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, giá trị cùng các cảnh quan thiên nhiên kì vĩ, nổi bật sẽ là chìa khóa mở ra tiềm năng to lớn của ngành du lịch và sẽ là nền tảng cho chiến lược của ngành để tạo khác biệt của tỉnh Quảng Bình so với các điểm đến du lịch khác.