Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh Quảng Bình - Điểm du lịch tâm linh

Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh tọa lạc dưới chân đèo Ngang, Quảng Bình, không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo mà còn là một địa điểm tâm linh linh thiêng, thu hút đông đảo du khách thập phương. Ngôi đền này gắn liền với những truyền thuyết huyền bí về nàng công chúa Liễu Hạnh, một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Lịch sử và ý nghĩa tâm linh

Ngày xưa ở trên Thiên Đình, Ngọc Hoàng có một cô con gái tên là Liễu Hạnh, tính tình ngang bướng, không chịu theo khuôn phép nhà Trời. Ngọc Hoàng hết lòng dạy dỗ nhưng vô ích, cô vẫn chứng nào tật ấy. Giận vì trong nhà có con gái hư, không thể làm gương cho muôn họ. Ngọc Hoàng quyết định trị tội để cho con tu tỉnh. Nhân một lần Liễu Hạnh phạm lỗi, Ngọc Hoàng liền đày xuống trần trong thời hạn ba năm. Sau khi xuống trần, Mẫu Liễu Hạnh hóa thân thành một cô gái xinh đẹp, dựng một lều quán ở chân núi Đèo Ngang. Đây là nơi rừng núi vắng vẻ nhưng cũng là nơi có con đường Thiên lý Bắc – Nam vắt qua nên hằng ngày không bao giờ ngớt khách bộ hành qua lại. Từ xưa đến nay, vì sợ giặc cướp và thú dữ, không một ai dám đến đó mở quán bán hàng. Vì vậy ngôi làng độc nhất của Liễu Hạnh ngày nào cũng đông khách. Bất kỳ ai lên xuống Đèo, đã đi qua quán, không thể không ghé đến nghỉ chân. Huống gì trong quán lại có thêm cô gái tuyệt sắc.

Từ khi có quán nước, hễ ai vào quán ăn bánh uống nước rồi tiếp tục ra đi thì không sao. Nhưng nếu thấy chủ quán xinh đẹp mà giở thói cợt nhã hoặc có ý cậy sức, cậy thế cậy thần làm điều bất chính thì nàng quyết trị tội, không tha. Lúc trở về không lăn ra chết cũng trở thành điên rồ ngây dại.

Nghe danh về cô gái bán nước ở đèo Ngang, lúc bấy giờ thời vua Lê Thái Tổ có một người con trai là Hoàng tử thời đấy. Một hôm, Hoàng tử giấu Vua cha và Hoàng Hậu, sắm sửa cáng xá hành lý, đóng vai một nhà quý tộc trẻ tuổi, dẫn đoàn thị vệ cải trang ra đi tìm đến nơi của công chúa Liễu Hạnh. Sau khi đến nơi chàng đã si mê nàng và định dở ý định xấu với cô. Cô gái đã kịp hóa phép và trừng trị Hoàng tử bằng cách hóa phép là một con khỉ cái, lông lá đầy người. Bọn lính hầu xông lại, vụt một cái, con khỉ lại biến thành một con rắn mang hoa trên người Hoàng tử vươn lên kèo nhà, há miệng phun lửa phì phì, rồi biến mất. Khi bọn lính hầu thắp được đèn lên thì Hoàng tử đã ngã vật giữa quán, nằm mê man, mặt cắt không còn một giọt máu. Nửa đêm hôm đó, người ta cắt ngựa trạm đưa Hoàng tử về Kinh. Đến cung Hoàng tử trở nên mất trí, ai hỏi cũng không trả lời, chỉ cười nói một mình. Sau khi tìm đủ cách để chữa trị cho Hoàng tử, cuối cùng hoàng tử cũng trở lại bình thường và tâu lại sự tình với Cha. Sau khi nghe chuyện người đã tước vị ngôi vị của Hoàng Tử và cho con trai thứ lên thay. Người cũng nhờ nhiều cách để bắt công chúa Liễu Hạnh về để trừng phạt. Sau khi bắt được cô gái, nàng đã tú nhận là con của Ngọc Hoàng và muốn ở lại trần gian để trừng trị những kẻ hay bắt nạt và khinh thường phụ nữ.

Qua truyền thuyết dân gian về công chúa Liễu Hạnh, chúng ta thấy đó là một niềm tin và sự cầu mong về một lẽ công bằng của nhân dân. Hay có thể nói ngược lại: Chính niềm tin và sự cầu mong ấy là tiền đề để nảy sinh ra một câu chuyện thần kỳ tức là câu chuyện về công chúa Liễu Hạnh. Con đường để hình thành truyền thuyết về Đức Thánh Mẫu cũng là những con đường đã hình thành nên truyền thuyết về các vị thánh và các vị linh thần khác. Đó là con đường của sáng tác dân gian hoặc con đường dân gian hóa những tác giả, những tác phẩm cụ thể…

Thánh mẫu Liễu Hạnh đã để lại một hình ảnh mẫu mực xứng đáng là tấm gương và cái đích cần vươn tới của các thế hệ phụ nữ Việt Nam.

Ngôi đền được xây dựng vào năm 1557, mang đậm phong cách kiến trúc Á Đông. Với tổng diện tích gần 350m², đền tựa lưng vào dãy Hoành Sơn hùng vĩ, mặt hướng ra hồ Quảng Đông. Kiến trúc đền hài hòa với thiên nhiên, tạo nên một không gian thanh tịnh, lý tưởng để du khách tìm đến cầu nguyện và thư giãn.

Ngày 11/10/2024, tỉnh Quảng Bình vừa có quyết định công nhận điểm du lịch đối với Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại thôn Vĩnh Sơn xã Quảng Đông huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình.

Hàng năm, tại đền thường xuyên diễn ra các lễ hội lớn, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương. Các lễ hội này không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo mà còn là dịp để mọi người giao lưu, văn hóa.

Nếu bạn đang tìm kiếm một nơi để tĩnh tâm, cầu nguyện và tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, thì đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một điểm đến lý tưởng. Không gian thanh tịnh, kiến trúc độc đáo cùng những câu chuyện huyền bí về công chúa Liễu Hạnh chắc chắn sẽ để lại trong bạn những ấn tượng khó quên.