Bến phà Nguyễn Văn Trỗi nằm bên bờ Nam dòng sông Son thơ mộng, một chứng tích lịch sử được những người con di sản nhớ về những năm tháng Vệ quốc anh hùng. Ghé thăm bến phà, tìm hiểu về các chứng tích lịch sử oanh liệt một thời.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, Quảng Bình là tuyến đầu của Miền Bắc XHCN, là cửa ngõ quan trọng để chi viện sức người, sức của cho chiến trường Miền Nam đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhận thấy được điều này, đế quốc Mỹ tiến hành các cuộc ném bom trực diện vào Quảng Bình, bắn phá các tuyến đường biển, đường bộ hòng cắt đứt các mạch máu chi viện vào miền Nam. Các lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội thuộc các binh chủng phải ngày đêm bám trụ, chịu đựng, vượt qua nhiều gian khổ, hiểm nguy để đảm bảo cho các tuyến đường thông suốt.
Năm 1966, do yêu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ, cùng với việc mở đường 20 Quyết Thắng nối Đông-Tây Trường Sơn, phà Xuân Sơn do Ty Giao thông Quảng Bình phụ trách xây dựng và đi vào hoạt động. Phà Xuân Sơn là một trong những trọng điểm bị đánh phá ác liệt, đây là điểm vượt sông Son của tuyến đường 15 chi viện cho chiến trường Miền Nam qua đường 20 Quyết Thắng. Đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá hết sức ác liệt cả ngày lẫn đêm hòng cắt đứt mạch máu giao thông này của ta.
Cuối năm 1966, nhằm “chia lửa” cho bến phà Xuân Sơn đồng thời phục vụ cho việc vận chuyển sức người, sức của cho chiến trường Miền Nam, bến phà B đã ra đời cách bến phà A (tức bến phà Xuân Sơn) khoảng 4 km. Bến phà được vinh dự mang tên Nguyễn Văn Trỗi, nhằm noi theo tấm gương anh hùng bất khuất của anh trước kẻ thù. Con đường rẽ qua phà bắt đầu từ đường 15 thuộc địa phận xã Phúc Trạch về thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch (nay là thị trấn Phong Nha) khoảng 1 km, nối Km số 0 của đường 20 Quyết Thắng. Cũng từ đó, bến đò ngang Trằm Mé trở thành bến đò Nguyễn Văn Trỗi, do bộ đội công binh đại đội 2, đại đội 4 và lực lượng thanh niên xung phong đảm nhiệm, ngày đêm làm nhiệm vụ đưa hàng trăm chuyến xe, hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược, hàng hóa cùng những đoàn quân từ Miền Bắc vượt sông thẳng tiến vào chiến trường Miền Nam chiến đấu.
Bến phà Nguyễn Văn Trỗi là điểm nút vượt sông quan trọng, đảm bảo cho các hướng chi viện từ đường 12A, đường 15 và những tuyến đường khác lật cánh sang Tây Trường Sơn bằng con đường 20 Quyết Thắng. Sự xuất hiện của bến phà Nguyễn Văn Trỗi nhanh chóng được đưa vào tầm ngắm của các phi công bên kia chiến tuyến. Với vị trí hết sức quan trọng, bến phà Nguyễn Văn Trỗi trở thành một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đến bến phà Nguyễn Văn Trỗi, du khách có thể kết hợp tham quan các điểm danh lam thắng cảnh nổi tiếng Quảng Bình trong ngày như động Phong Nha, động Tiên Sơn, bến phà Xuân Sơn, cầu phao Gia Hưng...
Hôm nay, giữa nhịp sống đầy hối hả, bên bờ Nam sông Son hiền hòa xanh mát, tấm bia tưởng niệm của bến phà Nguyễn Văn Trỗi vẫn trầm mặc ở đó, lặng lẽ ôm trong mình bản tráng ca hào hùng của một thời lửa đạn. Nếu ai đó có đi qua đây, xin dừng chân đứng lại, thắp nén hương thơm tưởng nhớ những người con anh dũng của quê hương Di sản đã sống, chiến đấu và hy sinh quên mình cho khát vọng độc lập, tự do của quê hương, đất nước. Mãi mãi, khúc tráng ca của một thời hoa lửa ấy sẽ vẫn còn ngân nga, vang vọng trong từng lớp sóng của dòng Son và trong trái tim những người con trên quê hương Di sản hôm nay và mai sau.
Nếu có cơ hội đến Phong Nha, xin hãy dừng chân ngắm bến phà, kỳ quan được tạc bằng trí thông minh, óc sáng tạo, lòng dũng cảm của chiến sĩ và bằng xương máu của biết bao đồng đội đã ngã xuống vì huyết mạch giao thông, vì miền Nam ruột thịt. 40 năm đã trôi qua, cảnh vật còn đó, bến phà còn đây, dòng sông Son bình dị vẫn đong đầy bao kỷ niệm khó quên.