Múa Rối nước – nét văn hóa truyền thống dân gian độc đáo ở Việt Nam

Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống của Việt Nam, gắn với cuộc sống thôn dã ở đồng bằng Bắc Bộ và nền văn minh lúa nước. Múa rối nước mang vẻ đẹp, giá trị văn hóa dân gian độc đáo của người Việt thông qua những câu chuyện được truyền tải đến du khách. Đây là một sản phẩm thuộc di sản văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam mang một dòng văn hóa riêng biệt, được cả người trong và ngoài nước vô cùng thích thú.

Sự hấp dẫn kì lạ của nghệ thuật múa rối nước

Mỗi vở diễn rối nước là một câu chuyện, là bức tranh sinh động về đời sống văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam. Qua những con rối được điều khiển khéo léo, những câu chuyện dân gian, truyền thuyết được tái hiện một cách sống động, mang đến cho khán giả những trải nghiệm văn hóa độc đáo và khó quên.

Những con rối làm từ gỗ được tạo hình một cách tỉ mỉ với kích thước to, nhỏ khác nhau nhảy múa, nô đùa và lướt đi trên mặt nước. Từ người nông dân đi cày cùng trâu, mùa gặt, cho đến những bé nhi đồng đùa nghịch dưới sông khi hè về. Những con ếch, cá, đàn vịt nhiều màu xanh, đỏ, vàng nối đuôi nhau bơi lội làm xao động mặt nước, và cả những con rồng, con phượng huyền bí xuất hiện trong làn khói mờ ảo... Những giây phút kỳ diệu như vậy chắc hẳn đã đem đến niềm vui, sự ngưỡng mộ cho mọi người.

Nguồn gốc

Múa rối nước đã ra đời chừng hơn 10 thế kỷ trước ở vùng châu thổ sông Hồng. Loại hình này thường diễn vào dịp lễ, hội làng, ngày vui, ngày Tết, dùng con rối diễn trò, diễn kịch trên mặt nước. Trò rối nước cũng được coi là nét văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Múa rối nước ra đời cùng nền văn minh lúa nước nhưng được hình thành và phát triển vào triều đại nhà Lý (1010 - 1225). Theo thời gian, nghệ thuật múa rối nước được truyền từ đời này sang đời khác, dần dần trở thành một thú chơi tao nhã của người dân Việt Nam trong các dịp lễ hội.

Trước khi chính thức trở thành nghệ thuật sân khấu, múa rối nước là hoạt động nằm trong các phường hội dân gian rải rác khắp thôn xóm, được "nuôi lớn" bằng nhiệt huyết của người dân. Từ xa xưa, người Việt Nam đã chế tạo ra 3 dạng rối: rối đồ chơi, rối diều - rối gió và rối pháo.

Ý nghĩa

Hoạt động múa rối nước không chỉ mang đến sự giải trí cho người xem mà còn mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Nước mang ý nghĩa là sự sống, sự gắn kết bền vững, cũng là sự tinh khiết hài hòa. Do đó, Múa Rối khi thực hiện dưới nước phản ánh đầy đủ và chân thực cuộc sống hàng ngày của người dân vùng lúa nước. Qua đó cũng tái hiện các hoạt động hội hè, tín ngưỡng, vui chơi, giải trí của người nông dân thời xa xưa.

Địa chỉ xem múa rối nước Hà Nội nổi tiếng

Nhà hát Múa rối nước Thăng Long

Địa chỉ:  Số 57b Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Thành Phố Hà Nội.

Thời gian: Từ thứ 2 đến thứ 7 vào các khung giờ: 13h45, 15h00, 16h10, 17h20, 18h30, 20h00, 21h15. Riêng Chủ Nhật vào các khung giờ: 09h30, 13h45, 15h00, 16h10, 17h20, 18h30, 20h00, 21h15

Bạn cần nhận vé vào cửa tại văn phòng của nhà cung cấp trước ít nhất 30 phút khi bắt đầu chương trình diễn ra.

Nhà hát múa Rối Nước Bông Sen

Địa chỉ: Số 16 Lê Thái Tổ, Hàng Trống, Hoàn Kiếm Hà Nội, Việt Nam

Các chương trình biểu diễn múa rối nước Bông Sen sẽ được diễn ra vào các khung giờ trong ngày bao gồm: 17h15; 18h30; 20h00, và có nhận đặt lịch biểu diễn theo yêu cầu.

Múa rối nước Bông Sen quy tụ được rất nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ nổi tiếng có nhiều kinh nghiệm biểu diễn từ các vùng miền truyền thống trong nghề rối cả nước. Với các tiết mục rối cổ truyền độc đáo, hấp dẫn thu hút du khách đổ về đây rất đông.

Nhà hát Múa rối Việt Nam  

Địa chỉ: Số 361 Trường Chinh, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội, Việt Nam

Nhà hát múa rối Việt Nam - Trung tâm nghệ thuật múa rối lớn nhất của cả nước với nhiệm vụ là bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống. Với bề dày trong lịch sử hình thành và sau 60 năm xây dựng và trưởng thành, nơi hội tụ của những nhà nghiên cứu kì cựu, tác giả, đạo diễn, hoạ sĩ và nghệ sĩ biểu diễn múa rối nổi tiếng hàng đầu của Việt Nam.

Múa Rối nước là một sản phẩm thuộc di sản văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam mang giá trị văn hóa ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Loại hình này cần được chung tay bảo tồn và phát triển, lan tỏa giá trị văn hóa đến với du khách trong và ngoài nước.