Đường 20 Quyết Thắng – Tuyến đường lịch sử xuyên Trường Sơn

24/07/2024

Quảng Bình không chỉ nổi tiếng với vương quốc hang động, núi non hùng vĩ hay bãi biển trong xanh mà còn nổi tiếng với các di tích lịch sử trường tồn cùng thời gian. Nơi đây còn in hằn dấu vết con đường của lòng dũng cảm, tinh thần bất khuất của tuổi thanh xuân mang tên đường 20 Quyết thắng. 

Tuyến đường 20 Quyết Thắng bắt đầu từ Km 0 của thôn Phong Nha, bên cạnh dòng sông Son thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình kéo dài đến ngã ba Lùm Bùm thuộc huyện Ăng - Khăm, tỉnh Khăm Muộn của nước bạn Lào, rồi thông ra đường số 9.

Đường được xây dựng vào tháng 12/1965 và hoàn thành vào tháng 5/1966 có tổng chiều dài 125km, tuyến đường này được xây dựng và bảo vệ chủ yếu là các thanh niên còn trẻ tầm đôi mươi tươi đẹp nên được bộ Tư lệnh Binh đoàn 559 đặt với cái tên thân thương nhưng cũng rất hào hùng là đường 20 Quyết thắng.

Ý nghĩa lịch sử

Nằm trên cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại, đường 20 Quyết thắng đóng vai trò to lớn k kém trong các cuộc chiến tranh ác liệt dành độc lập. Vào những năm kháng chiến chống Mỹ, cung đường 20 trở thành đầu mối vận tải mang sứ mệnh chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Góp phần to lớn trong công cuộc kháng chiến và bảo vệ đất nước, dành độc lập dân tộc.

Các điểm di tích trên đường 20 Quyết thắng

Hang tám cô

Hang Tám cô là điểm di tích nói về sự hi sinh anh dũng của tám cô gái tuổi đôi mươi và ngày 14/11/1972. Trong kháng chiến chống Mỹ ác liệt, hang đá này là nơi trú ẩn của các cô gái trong nhiệm vụ phá bom, mở đường, giữ cho tuyến đường luôn được thông suốt. Nhưng không may trong lúc làm nhiệm vụ đã bị bom Mỹ đánh sập hang đá bịt kín lối ra, gây đau thương mất mát to lớn  

 

Có dịp đến Quảng Bình, đi trên đường 20 Quyết thắng, đừng quên ghé thăm hang Tám cô thắp nén nhang tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ nhé.

Miếu thờ Y tá

Trong các cuộc chiến tranh, luôn luôn có sự đồng hành của các y, bác sỹ. Những người không quản ngày đêm cùng thức, luôn là hậu phương vững chắc cùng các chiến sỹ trong công cuộc bảo vệ đất nước.

Nằm ở km 18 đường 20 Quyết thắng, nơi đây có sự hy sinh anh dũng của nữ liệt sỹ y tá Nguyễn Thị Sặng cùng nhiều y tá, chiến sỹ trên đường Trường Sơn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để hoàn thành nhiệm vụ dành độc lập dân tộc.

Dốc Ba Thang

Dốc Ba Thang được xem là một trong những điểm khó nhất trong quá trình mở đường 20 Quyết thắng. Có độ dốc dựng đứng lên tới 400m với hơn 10.000m núi đá, trong khi với phương tiện còn thô sơ thì đây là bài bài toán khó đối với quân và dân ta. Với ý chí và tinh thần quyết tâm để mở đường, các chiến sĩ công binh phải ghép ba thang tre mới có thể leo lên đục các lỗ để gắn bộc, phá núi. Chính vì vậy nên nơi đây được gọi là dốc Ba Thang.

Ngày nay, những dấu vết của bom đạn đã hòa vào màu xanh của bạt ngàn núi rừng Trường Sơn. Để có được con đường bình yên như hôm nay, biết bao nhiêu bộ đội, thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng để bảo vệ và làm nên con đường 20 Quyết Thắng, con đường của những con người lứa tuổi 20 bất tử trong lòng dân tộc.