Minh Hóa là huyện miền núi tỉnh Quảng Bình. Nơi đây được mẹ thiên nhiên ban tặng cho phong cảnh đẹp nên rất có tiềm năng phát triển du lịch. Nhắc đến Minh Hóa bạn sẽ nghĩ ngay đến hệ thống hang Tú Làn đẹp hùng vĩ - ao ước của nhiều người mê thể thao mạo hiểm, là những dãy núi đá vôi ngoạn mục, là làng du lịch tốt nhất Thế giới (Tân Hóa),… Nhưng nơi đây còn nhiều hơn thế, độc đáo nhất là hội Rằm tháng ba - một nét văn hóa không thể thiếu của người Minh Hóa. Vào tháng 3 âm lịch cũng là lúc người dân nơi đây nhộn nhịp, hào hứng chuẩn bị cho Rằm tháng ba. Đặc biệt là phiên chợ tình, nơi mà ai cũng háo hức được đi.
Chợ tình Minh Hóa là một phiên chợ độc đáo diễn ra vào ngày rằm tháng 3 âm lịch hàng năm tại Thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Đây không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa thông thường mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc Nguồn.
Huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) có nhiều tộc người như: Khùa, Mày, Rục, Sách, Kinh… và thường được gọi chung với tên là người Nguồn. Văn hóa của người Nguồn ở Minh Hóa khá phong phú có nhiều nét đặc trưng, nổi bật gắn với những phong tục tập quán, lễ hội đặc sắc, phong cách ẩm thực độc lạ.
Nguồn gốc của hội rằm tháng Ba của người Nguồn gắn liền với câu chuyện cổ xưa. Ngày đó, có 2 anh em nhà nọ lên lèn Ông Ngoi ở phía bắc thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa) để tìm mật ong.
Lên đến đỉnh lèn núi, họ gặp một giếng nước trong vắt, cạnh giếng có một cây quýt trĩu quả. Dưới bóng cây râm mát có 12 tượng đá giống hình ông Bụt. Thấy đẹp, người anh đã khiêng một tượng đá mang xuống núi, đến thác Cúi thì đặt tượng đá xuống tắm rửa. Nhưng lạ thay khi tắm xong, người anh đến nhấc tượng đá lên để mang về thì không sao nhấc nổi. Kể từ đó, thác Cúi nơi đặt bức tượng đá được gọi là thác Bụt.
Từ đó, vào dịp tháng Ba, người dân trong vùng khi thu hoạch xong mùa màng, vào ngày rằm tháng Ba người dân lại đến thác Bụt cúng tạ ơn trời đất đã cho mùa màng bội thu và tham gia lễ hội chợ rằm.
Hàng năm, cứ vào mùa lễ hội rằm tháng Ba đến, từ sáng tinh mơ khi mây đang gác trên từng dãy núi, con gà rừng vừa gáy sáng thì những người dân địa phương ở xa đã lên đường vượt suối, băng rừng về dự hội. Người Nguồn luôn có câu:
“Thà rằng đau ốm mà nằm/Không ai nỡ bỏ chợ rằm tháng Ba”.
Phiên chợ chủ yếu để giao lưu, bày bán các sản vật địa phương, nhiều món ăn truyền thống khác. Một số món mà bạn không thể bỏ qua là bồi ngô chấm mật ong, các loại ốc Minh Hóa. Tháng 3 cũng là lúc mùa ong đi lấy mật, vì vậy hãy thưởng thức mật ong tại đây nhé.
Vào độ này, nam thanh nữ tú trong làng sẽ đổ xô về chợ mua sắm, đông vui như đi trẩy hội. Chợ rằm không chỉ để mua sắm mà còn là nơi giao duyên, làm quen của nam thanh nữ tú trong vùng. Ở đây còn có những trò chơi dân gian độc đáo như kéo co, cờ người, đi cà kheo,đánh bóng chuyền,… rất hấp dẫn. Du khách đến đây còn có cơ hội tiếp cận văn hóa của người bản địa thông qua các điệu hò dân gian như hò thuốc cá, điệu đúm ví, điệu ru con. Hội rằm tháng ba thu hút rất nhiều khách ở địa phương khác về chơi. Họ đến đây để cầu phúc, cầu tài và giao lưu, kết duyên.
Điểm độc đáo của chợ tình Minh Hóa là không khí lãng mạn, trữ tình. Các chàng trai, cô gái đến chợ với những bộ trang phục đẹp nhất, họ hát hò giao duyên, tìm hiểu nhau và bày tỏ tình cảm của mình. Chợ tình là nơi se duyên cho nhiều đôi uyên ương, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân địa phương.
Qua thời gian, chợ rằm tháng ba ít nhiều đã có sự thay đổi nhưng nét đẹp văn hóa truyền thống vẫn còn được người dân gìn giữ như một phần của cuộc sống hàng ngày. Cho đến ngày nay, đối với mỗi người dân Minh Hoá dù có đi khắp phương trời cũng không thể bỏ qua chợ rằm tháng ba khi có dịp trở về mảnh đất quê hương thân thuộc.
Chợ tình Minh Hóa là một điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nếu bạn có dịp đến Quảng Bình, hãy đến với chợ tình Minh Hóa để trải nghiệm nét đẹp văn hóa độc đáo của nơi đây.